Nghị quyết 68-NQ/TW: Trụ cột định hình diện mạo mới cho kinh tế địa phương

Kinh tế tư nhân được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển của thành phố Hải Phòng, đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất, và góp phần định hình diện mạo mới cho nền kinh tế địa phương.

 

Chú thích ảnh
Sản xuất mạch điện tử trên máy tự động ở nhà máy của Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, Khu công nghiệp Tràng Duệ, quận An Dương, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Khả năng dẫn dắt sự phát triển 

Hải Phòng hiện có trên 20.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động, trung bình mỗi năm thành phố có gần 3.200 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp là trên 9 tỷ đồng; có 966 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 855 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP chiếm 44,49%, số lao động chiếm 48,6% trong tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Năm 2024, tỷ lệ thu ngân sách trong tổng số thu nội địa chiếm 66,63%. 

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra lời tuyên bố chính trị mạnh mẽ "kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo". Đồng thời, đưa ra định hướng chiến lược là Việt Nam cần phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tạo ra những "người khổng lồ" kinh tế có khả năng dẫn dắt sự phát triển đất nước.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước; đồng thời đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước thấp nhất 8% trong năm 2025, làm nền tảng để tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. 

"Đối với Hải Phòng, Trung ương giao tăng trưởng 12,5% trong năm 2025 và từ 15-16% của giai đoạn 2026-2030. Như vậy, có thể thấy mục tiêu đặt ra là rất lớn và để đạt được mục tiêu này thì doanh nghiệp, doanh nhân có sứ mệnh là lực lượng tiên phong.", Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định.

Điểm sáng về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân tại Hải Phòng không thể không nhắc đến Tập đoàn Hateco với việc chính thức đưa vào hoạt động bến số 5 và số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), có tên giao dịch là Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) vào tháng 4 vừa qua, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của Việt Nam. 

Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) với quy mô gần 73ha; trong đó, bến chính dài 900m và bến sà lan 300m, có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới, công suất khai thác đạt 2,2 triệu TEU/năm, khẳng định vị thế là cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất miền Bắc.

HHIT là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng TAS (Truck Appointment System), nền tảng đặt lịch hẹn xe container, giúp tài xế chủ động thời gian ra vào cảng, tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm vận hành.

Theo ông Robert Uggla, Chủ tịch Maersk, Tập đoàn mẹ của APM Terminals là đối tác chiến lược của Hateco, với công nghệ tiên tiến, thiết kế bền vững và khả năng phục vụ các tàu lớn nhất trên biển, Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng sẽ định vị Hải Phòng và Việt Nam như một trung tâm quan trọng trong thương mại toàn cầu. APM Terminals cũng như Maersk và Hateco sẽ kết hợp tiềm lực của một doanh nghiệp Việt Nam và chuyên môn toàn cầu về vận tải biển, cảng biển và logistics của Maersk. Mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên sẽ mang đến những sự chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng hải Việt Nam và khu vực.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hateco Trần Văn Kỳ cho biết: Với tầm nhìn chiến lược và ý chí kiên định, ngay sau khi tiếp nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hateco đã khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, phối hợp cùng các đơn vị nhà thầu, các đơn vị tư vấn giám sát trong nước và quốc tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các hạng mục công việc theo đúng quy định pháp luật. Việc chính thức đưa vào hoạt động Cảng Hateco Hải Phòng có ý nghĩa to lớn đối với một doanh nghiệp tư nhân là Hateco trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Chú thích ảnh
Dự án Bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN

Lực đẩy cho Hải Phòng bứt tốc

Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho rằng, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại có một “cơ hội vàng” rõ ràng và mạnh mẽ như hiện nay. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển đất nước, kinh tế tư nhân được thừa nhận, và còn được xác định là một trụ cột của nền kinh tế. Đây không chỉ là một sự thay đổi chính sách mà là một thay đổi về nhận thức chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, để biến khát vọng thành hiện thực, cộng đồng doanh nhân cần hành động quyết liệt và có trách nhiệm hơn bao giờ hết; cần đổi mới mô hình quản trị, tăng tốc chuyển đổi số, đề cao văn hóa doanh nghiệp và cam kết phát triển bền vững. Quan trọng hơn, mỗi doanh nghiệp cần chủ động kết nối, liên kết để hình thành nên những chuỗi giá trị đủ mạnh, vươn ra khu vực và thế giới.

Theo thống kê, trong tổng số trên 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động năm 2024, Hải Phòng chỉ có 13 doanh nghiệp trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; trong đó, có 10 doanh nghiệp nội địa, chưa có doanh nghiệp nội địa thành phố nằm trong TOP 100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, sự liên hết, hợp tác giữa các doanh nghiệp của thành phố còn chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, bài bản; chưa có tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp thành phố.

Để xây dựng lực lượng doanh nghiệp thành phố lớn mạnh, làm chủ chuỗi giá trị trong nước, đủ sức vươn xa tầm cỡ khu vực và thế giới nhằm đưa Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics lớn của cả nước và khu vực, thành phố cũng đã chỉ đạo đi trước một bước, cơ bản hoàn thành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hải Phòng. Điều này nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là bước đi tiên phong của lãnh đạo thành phố và sẽ có những cơ chế hỗ trợ vượt trội, sáng tạo, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp thành phố phát triển.

Cùng đó, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng hình thành vào tháng 4 vừa qua là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thành phố Cảng, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới. 

Theo ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Đỏ, hiệp hội sẽ trở thành cầu nối vững chắc, gắn kết doanh nghiệp ở mọi quy mô, lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn và phản ánh kịp thời lên cấp hoạch định chính sách. Chỉ khi đó, các chính sách hỗ trợ, từ tín dụng ưu đãi, tư vấn quản trị đến đào tạo nguồn nhân lực mới có thể đến đúng nơi, đúng đối tượng; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp lớn xây dựng các chương trình hỗ trợ chuỗi cung ứng, giúp những mắt xích yếu không bị bỏ lại phía sau. 

Thành phố Hải Phòng tiếp tục xây dựng cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp địa phương phát triển, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp trẻ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính. "Nếu biết tận dụng cơ hội, kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung, thành phố Hải Phòng mới nói riêng không chỉ là động lực tăng trưởng mà sẽ là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt trong kỷ nguyên mới.", Luật sư Phạm Hồng Điệp nói.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)

Nguồn baotintuc.vn